Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Diện mạo các đô thị trên phạm vi toàn quốc đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao, có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và cả nước.
Những kết quả trên có sự tác động, điều phối của nhiều chính sách, quy định pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020 và Luật Đầu tư; Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị và nhóm các Nghị định về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, phát triển đô thị thời gian qua đã cho thấy một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, rất nhiều các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị bao gồm cả các quy định về hạ tầng kỹ thuật đô thị đều không nằm ở cấp độ luật, do đó hiệu quả, hiệu lực pháp lý áp dụng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, xu thế mới về mô hình phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh chưa được khuyến khích áp dụng rộng rãi, việc quản lý, sử dụng không gian ngầm chưa được khai thác hiệu quả. Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, việc thống nhất quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị là đặc biệt cần thiết, làm cơ sở đề xuất các chính sách khi lập đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị.
Trình bày về quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật điều chỉnh quản lý và phát triển đô thị, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, nhìn chung, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện, có hệ thống về lĩnh vực phát triển đô thị mà mới chỉ điều chỉnh một cách riêng lẻ các nội dung liên quan đến hoạt động phát triển đô thị. Từ đó, Cục Phát triển đô thị đề xuất một số nội dung trong dự án Luật như sau; sự cần thiết phải xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; định hướng các quy định trong dự thảo Luật. Trong đó, nội dung các quy định sẽ điều chỉnh các nhóm vấn đề cơ bản gồm: quản lý phát triển hệ thống đô thị; quản lý phát triển khu vực hình thành mới trong đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị và không gian ngầm đô thị; quản lý cải tạo, chỉnh trang đô thị và tái phát triển đô thị; quản lý Nhà nước về phát triển đô thị.
Chuyên gia GIZ phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Patric Rolf Schlager (GIZ) cho biết, hệ thống pháp luật về đô thị của Việt Nam hiện nay vẫn cần tiếp tục thống nhất thêm về nội dung; cần thiết phải xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước. GIZ đã và đang tích cực hợp tác với Bộ Xây dựng và nhiều tỉnh, thành phố nhằm góp phần đem lại những thay đổi tích cực trong quá trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn. Trong thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng Luật điều chỉnh quản lý và phát triển đô thị; hỗ trợ nghiên cứu soạn thảo các bộ luật khác có liên quan.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương đã cùng trao đổi, đề xuất nội dung trong Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị: Luật cần có nội dung tạo sự đồng bộ giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội; có thêm đánh giá bất cập của hệ thống chính sách, tăng thêm trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước; cần có khái niệm rõ về thành phố đa đô thị, đa trung tâm, phân loại đô thị để triển khai trong thực tiễn; cần tập trung vào đô thị thông minh, làm rõ cơ sở pháp lý và định hướng...Theo Ban Tổ chức, các ý kiến được trao đổi, thảo luận tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo