Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khởi động Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”

Tin tức - Sự kiện  
Khởi động Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”

Ngày 13/4/2021, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam Marcel Reymond; Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malholtra; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện một số địa phương, đông đảo chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế.

Theo thông tin từ Ban tổ chức hội thảo, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các thành phố tăng cường cơ chế quản lý và quy hoạch đô thị tích hợp, UN-Habitat đã phối hợp với Bộ Xây dựng đề xuất Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (Dự án ISCB).

Dự án gồm các Hợp phần: Nâng cao năng lực; Chính sách và pháp luật; Thí điểm. Dự án đã nhận được tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ - SECO để triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025. UN-Habitat là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và điều phối tổng thể triển khai Dự án. Bộ Xây dựng đóng vai trò cơ quan chủ quản Dự án, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC, thuộc Bộ Xây dựng) đóng vai trò chủ Dự án. Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), Vụ Quản lý quy hoạch (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là các đơn vị đồng triển khai Dự án. Dự án hỗ trợ 3 thành phố được lựa chọn triển khai Hợp phần Thí điểm.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ những mục tiêu tổng thể, dự kiến kết quả đầu ra của Dự án; đồng thời tăng cường kết nối giữa các đối tác của Dự án với các tổ chức liên quan đến phát triển đô thị, bao gồm các cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, các tổ chức phát triển đa phương và song phương, các dự án đang hỗ trợ xây dựng và phát triển đô thị, các hiệp hội, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cũng như khối tư nhân.

Thông qua hội thảo, các bên có dịp chia sẻ những thách thức của phát triển đô thị, đặc biệt là các vấn đề trong xây dựng khung thể chế và tăng cường năng lực cán bộ ở các cấp để hướng tới những giải pháp hoàn thiện.


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á. Các đô thị ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% tổng GDP, là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng triển khai các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển đô thị.

Nhờ đó, đến cuối năm 2020, Việt Nam nâng tổng số đô thị cả nước lên 859 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt khoảng 39,3%; tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch đạt 86%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87%. Chất lượng nhiều đô thị được nâng cao nhanh chóng, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Bên cạnh các đô thị, khu vực nông thôn cũng được quan tâm, đến 99,4% khu vực được lập quy hoạch xây dựng; 100% các tuyến đường chính, 90% các tuyến đường nhánh và trên 65% các đường ngõ xóm đã được chiếu sáng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong lĩnh vực phát triển đô thị, Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: Việc ban hành chính sách pháp luật về phát triển đô thị còn chậm so với yêu cầu, chưa phù hợp với thực tiễn; việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành, dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở; chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị; hệ thống đô thị Việt Nam phát triển nhanh về số lượng nhưng chủ yếu là đô thị nhỏ; tính liên kết giữa các đô thị với nhau và với khu vực nông thôn chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và hành lang kinh tế, chưa kiểm soát tốt sự gia tăng dân số đô thị; cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị còn thiếu tính nhất quán, chưa được quản lý tập trung và liên thông đa ngành, dẫn đến thiếu cơ sở để rà soát, đánh giá thực hiện chính sách, để từ đó xây dựng định hướng, chiến lược cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bám sát diễn biến, phù hợp với thực tế phát triển đô thị.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, trong bối cảnh trên, Dự án ISCB được triển khai với các mục tiêu: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện hệ thống đô thị Việt Nam; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý cấp Trung ương, địa phương; hỗ trợ việc xây dựng, thực hiện các chính sách đô thị, được kỳ vọng sẽ đem đến nhiều ý tưởng và giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn xây dựng thể chế về phát triển đô thị tại Việt Nam. Đồng thời, các bên tham gia sẽ được tăng cường năng lực một cách tối đa, nâng cao khả năng tham mưu cũng như những đóng góp cho sự phát triển của ngành Xây dựng nói riêng và Việt Nam nói chung.


Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam Marcel Reymond phát biểu tại hội thảo

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác xây dựng thể chế, chính sách của Việt Nam trong việc đưa các thành phố đi đúng hướng, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam Marcel Reymond cho biết, Dự án ISCB sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy phát triển đô thị một cách tổng hợp và bền vững thông qua các hoạt động tăng cường năng lực thể chế, xây dựng các chính sách mới và thí điểm các giải pháp can thiệp tại những thành phố được lựa chọn. Để đạt được mục tiêu đưa các thành phố đi đúng hướng và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, các quốc gia cần bắt đầu từ những điều cơ bản, bao gồm xây dựng cầu nối về mặt hành chính, coi thành phố như một hệ thống, không phải một đơn vị nhỏ lẻ cung cấp các dịch vụ hoặc quản lý một hạ tầng cụ thể.

Do đó, Dự án ISCB sẽ thúc đẩy quy hoạch đa ngành, thúc đẩy hợp tác giữa các cấp các ngành trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam. Với mối quan hệ hợp tác vững mạnh giữa Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNHabitat và Chính phủ Thụy Sỹ, ông Marcel Reymond tin Dự án sẽ đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường cho Việt Nam, góp phần tạo điều kiện cho các thành phố Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân. Chính phủ Thụy Sỹ cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.


Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malholtra phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malholtra cho biết, đô thị hóa không phải tự có mà đó là lựa chọn của các quốc gia. Do đó, các nước và cả Việt Nam cần kiểm soát hiệu quả tốc độ đô thị hóa và cần phát triển đô thị hóa ở tất cả các vùng, đồng thời phải có chính sách tiếp cận tích hợp rộng rãi các chính sách đô thị theo cả chiều rộng và chiều sâu. Cùng với đó, Việt Nam không nên chỉ dựa vào nguồn vốn ODA và nguồn vốn ngân sách Nhà nước mà cần dựa vào cả nguồn vốn của khối tư nhân trong phát triển bền vững đô thị.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký cam kết giữa các bên tham gia Dự án.


Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà (bên phải) ký cam kết của 2 bên triển khai Dự án ISCB với đại diện UN-Habitat tại Việt Nam


Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà ký cam kết của 2 bên triển khai Dự án ISCB với đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam


Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia, đại biểu dự hội thảo​


moc.gov.vn