Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng

Tin tức - Sự kiện  
Nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng

Ngày 17/12/2021, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; lãnh đạo Cục phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an); lãnh đạo Viện an toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đại diện các hội, hiệp hội chuyên ngành, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Hiện nay tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh. Tại các đô thị lớn, công trình cao tầng phát triển mạnh, tích hợp nhà ở cùng các cơ sở dịch vụ tiện ích như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, khu vui chơi… đem lại nhiều thuận lợi trong sinh hoạt cho người dân, mặt khác là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy.

Thực tế hiện nay vẫn thường xảy ra các sự cố cháy ở nhiều công trình cao tầng, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản nhân dân, nhà nước. Xuất phát từ thực trạng này, hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức nhằm phổ biến, giới thiệu các quy định, quy chuẩn mới để hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng nắm rõ hơn các yêu cầu thực tiễn của cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định của 2 quy chuẩn mới ban hành (Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình và Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các quy chuẩn liên quan khác); giới thiệu các loại vật liệu, các giải pháp thiết kế đáp ứng yêu cầu về an toàn cháy để các chủ đầu tư lựa chọn.


Đại tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, đến tháng 12/2020, cả nước có 3.618 nhà cao tầng và siêu cao tầng tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có 1.106 nhà chung cư, chiếm 30,75%; 747 nhà văn phòng chiếm 20,6%...Thời gian qua, mặc dù ý thức chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các nhà cao tầng được nâng cao đáng kể, song vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm, thiếu sót về điều kiện giao thông chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, chưa đáp ứng được yêu cầu phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện nay về hoạt động chữa cháy. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về PCCC của một bộ phận người lao động, người dân chưa cao.

Về những giải pháp đảm bảo PCCC cho công trình cao tầng, Đại tá Bùi Quang Việt cho biết: cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng; thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công trình cao tầng để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tác PCCC, tránh tình trạng đã phê duyệt quy hoạch nhưng không đảm bảo an toàn PCCC; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư trong công tác đảm bảo an toàn PCCC trong công trình nhà cao tầng.

Nói về các yếu tố đảm bảo an toàn cháy trong nhà cao tầng, TS. Hoàng Anh Giang - Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - IBST) cho biết, những quy định kỹ thuật về an toàn cháy đối với nhà thường dựa trên hai yếu tố chính: đặc điểm liên quan đến công năng của nhà và quy mô (diện tích, chiều cao) của nhà. Không chỉ trong QCVN 06:2021/BXD của Việt Nam, nguyên tắc này cũng được áp dụng trong hầu hết quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy ở nhiều nước khác.


Toàn cảnh hội thảo

Về kỹ thuật, theo TS. Hoàng Anh Giang, cần bảo đảm an toàn thoát nạn cho người; hạn chế quy mô của đám cháy; thuận lợi cho việc tiếp cận và các điều kiện kỹ thuật để triển khai hoạt động chuyên môn của lực lượng chữa cháy. Trong vấn đề này, vai trò của vật liệu, kết cấu và các bộ phận nhà là quan trọng, giúp hạn chế các yếu tố nguy hiểm cho tính mạng người sử dụng (như khói, khí độc, nhiệt độ cao), duy trì các điều kiện an toàn cho hoạt động thoát nạn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại. Do đó, quá trình thiết kế đảm bảo an toàn cháy cho nhà cao tầng cần hết sức chú trọng quy mô chiều cao, tính chất công năng, kiến trúc..., dẫn đến cần phải điều chỉnh các quy định về bảo đảm an toàn cháy so với quy định áp dụng với nhà thấp tầng.

Cũng tại hội thảo, Th.S Cao Tiến Phú - Giám đốc Trung tâm Vật liệu chịu lửa và chống cháy (Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng) cho biết, nhằm đáp ứng các yêu cầu chống cháy trong lĩnh vực xây dựng hiện đại, các vật liệu chống cháy đảm bảo yêu cầu chống cháy toàn diện, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và các nguy cơ tác động đến tính mạng con người đã được nghiên cứu và phát triển rất đa dạng. Một số sản phẩm như vữa chống cháy, keo silicon chống cháy, băng keo chống cháy, sơn chống cháy, tấm vật liệu thạch cao chống cháy, tấm canxi silicat chống cháy, bông khoáng ...đang là xu hướng an toàn được nhiều đơn vị tư vấn xây dựng và các nhà thầu xây dựng lựa chọn nhằm nâng cao tính chịu lửa của cấu kiện, bộ phận ngăn cháy trong công trình.


Nhà báo Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại hội thảo

Kết luận hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng cảm ơn các chuyên gia, đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cháy cho công trình cao tầng. Những ý kiến, giải pháp đề xuất tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp làm nguồn tài liệu quý giá giúp các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho công trình cao tầng thời gian tới.​


moc.gov.vn