Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển nhà ở xã hội: Những tín hiệu lạc quan

Tin tức - Sự kiện  
Phát triển nhà ở xã hội: Những tín hiệu lạc quan

Từ những tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) bằng việc tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Đề án) và nỗ lực hoàn thành khoảng 130 nghìn căn ngay trong năm nay.

Phát triển nhà ở xã hội: Những tín hiệu lạc quan
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả gói vay ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho phát triển NƠXH.

Thể chế cơ bản được hoàn thiện

Ngay khi Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt. Trong đó phải nhắc đến Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 (Nghị quyết số 33), đây được coi là quyết sách quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển NƠXH. Sau đó, nhiều Thông báo, Công điện cũng được Thủ tướng ký ban hành với tinh thần sâu sát, trách nhiệm vì mục tiêu cả nước đến năm 2030 sẽ có khoảng 1 triệu căn NƠXH (giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 là khoảng 634.200 căn).

Trên cơ sở Nghị quyết số 33, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng kịp thời được đề xuất hướng đến đối tượng chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án NƠXH được vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của nhiều ngân hàng thương mại.

Về triển khai nguồn vốn này, theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ngày 20/4/2023, Bộ cũng nhanh chóng có văn bản hướng dẫn các địa phương xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi và Ngân hàng Nhà nước song hành để cụ thể về lãi suất, thời gian ưu đãi đảm bảo triển khai thống nhất trên cả nước.

Đến tháng 11/2023, Hội nghị tín dụng cho bất động sản và phát triển NƠXH được diễn ra tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có trao đổi về nhiều đề xuất cũng như kiến nghị từ các địa phương đối với mục tiêu Đề án và đưa ra những giải pháp hay, tích cực để triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng một cách hiệu quả, thực chất.

Bên cạnh đó, vì mục tiêu 1 triệu căn NOXH, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về NƠXH và ra kết luận đôn đốc triển khai Đề án tại một số địa phương trọng điểm gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên… Có thể nói rằng, nhiệm vụ phát triển NƠXH đã có sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Định hướng đã có, mục tiêu cũng rõ ràng thì việc hoàn thiện thể chế là yêu cầu cấp thiết đặt ra và chưa bao giờ hệ thống pháp luật về nhà ở, đất đai có sự đồng bộ như hiện nay để “trợ lực” mạnh mẽ cho phát triển NOXH, cụ thể:

Ngay trong năm ngoái, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BXD cho phép các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH.

Hay Nghị định số 35/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung các Nghị định lĩnh vực quản lý Nhà nước Bộ Xây dựng, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phát triển và quản lý NƠXH…

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Và mới đây, tại Kỳ họp bất thường đầu năm 2024, Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng chính thức được thông qua. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng cường ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy phát triển NƠXH và các chính sách riêng, đặt thù cho nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Đồng thời việc gấp rút xây dựng văn bản hướng dẫn các đạo luật trên cũng đang được tiến hành khẩn trương để kịp với mốc ngày 01/01/2025 (khi các luật quan trọng đều có hiệu lực). Liên quan đến NƠXH, đầu tháng 01/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định Phát triển và quản lý NƠXH với nhiều hướng dẫn chi tiết, cụ thể đưa chính sách nhanh chóng vào cuộc sống.

Những tín hiệu tích cực

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm NƠXH, như vậy so với năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển NƠXH đến nay đã tăng thêm 5.031ha. Một số địa phương đã quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển NƠXH như: Đồng Nai 1.063ha, Thành phố Hồ Chí Minh 608ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.

Trong báo cáo gần nhất của Bộ Xây dựng, giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước đã có 499 dự án NƠXH được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó: 71 dự án với 37.868 căn đã hoàn thành; 127 dự án với 107.896 căn được khởi công xây dựng và 301 dự án tương đương 265.486 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Có thể kể đến một số địa phương với kết quả NƠXH hoàn thành tích cực như: Bắc Ninh 10 dự án (6.000 căn); Hà Nội 05 dự án (5.200 căn); Hải Phòng 4 dự án (5.400 căn); Khánh Hòa 4 dự án (3.104 căn)…

Từ số liệu trên cho thấy, việc phát triển NƠXH thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã chủ động trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Tuy nhiên, vẫn còn một vài địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn về NƠXH nhưng việc đầu tư chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025 (Hà Nội 03 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%; Thành phố Hồ Chí Minh 07 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%; Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...), hoặc một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay (Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An...).

Phát triển nhà ở xã hội: Những tín hiệu lạc quan
Nhiều dự án luật với các chính sách ưu đãi “trợ lực” cho phát triển NƠXH.

Chia sẻ thêm về những kết quả khả quan ban đầu, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, với nhu cầu vay hơn 30 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 06 dự án NƠXH tại 05 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

“Như vậy, nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án bước đầu đã có kết quả, chúng ta đã đi đúng hướng. Tuy nhiên việc giải ngân được đánh giá là còn chậm và cần phải đẩy nhanh hơn nữa”, ông Hoàng Hải chia sẻ thêm.

Điểm qua một số dự án NƠXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1 tỷ đồng (trên 1.095 tỷ đồng) như: Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty Cổ phần Nhà số 6 Hà Nội và Công ty Cổ phần Tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH thì việc giải ngân gói vay ưu đãi này sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Thời gian trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đồng thời sửa đổi pháp luật về thuế để đồng bộ với Luật Nhà ở về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội…

Các địa phương cũng cần khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Trong năm 2024 này với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất, phấn đấu trên địa bàn cả nước sẽ hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ NƠXH để sớm đưa mục tiêu của Đề án về đích đúng hạn.​