Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp sáng 25/10. (Ảnh: Quốc hội)
Quy định cụ thể mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị nông thôn
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật QHĐT&NT, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 Chương và 65 Điều; bỏ 2 Điều và bổ sung 2 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị nông thôn (QHĐTNT), khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung (QHC), quy hoạch phân khu (QHPK) và quy hoạch chi tiết (QHCT) có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần; đồng thời, quy định rõ các nội dung tại QHC được cụ thể hóa tại QHPK, các nội dung tại QHPK được cụ thể hóa tại QHCT. Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc cụ thể hóa phải được xác định, quy định rõ trong quy hoạch, bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật, UBTVQH sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa 2 dự thảo Luật.
Về các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính khi lập QHĐT&NT, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ đối với các trường hợp liên quan đến phạm vi quy hoạch và địa giới hành chính theo hướng giảm lược tối đa các quy hoạch phải lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Khanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật QHĐT&NT. (Ảnh: Quốc hội)
Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung (Điều 7); quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với QHĐT&NT trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các QHĐT&NT, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các QHC; trường hợp QHC khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp QHC có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì QHC được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.
Về cơ chế giải quyết vướng mắc này, căn cứ ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể như sau: Trường hợp có mâu thuẫn giữa các QHĐTNT cùng cấp độ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các QHĐTNT khác cấp độ thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III của Luật này.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động QHĐTNT.
Tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và các nội dung có nhiều ý kiến tham gia như: Mối quan hệ giữa các quy hoạch; nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương; thời hạn lập quy hoạch; quy hoạch phân khu đô thị; quy hoạch chung xã; thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh QHĐT&NT; quy định các trường hợp chuyển tiếp.
Đảm bảo thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch
Giải trình, làm rõ một số vấn đề tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh dự án Luật QHĐT&NT là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến các dự án xây dựng của doanh nghiệp, người dân, đến nhiều quy định của các Luật khác; cũng như nhiều loại quy hoạch khác…
Do vậy, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất thận trọng, rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan về quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ vấn đề tại Phiên họp. (Ảnh: Quốc Hội)
Đồng thời, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch cấp quốc gia, vùng cũng được quy định cụ thể. Nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch về phân khu, quy hoạch chi tiết, có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa…Các nội dung này đã được giải trình, tiếp thu, giải trình rõ trong Báo cáo số 983 gửi đến các đại biểu Quốc hội...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phạm vi lập QHĐT&NT cũng được xác định dựa trên phạm vi lãnh thổ, đảm bảo sự đan xen, gắn kết hiệu quả giữa không gian đô thị và nông thôn. Các khái niệm như "nội thành", "ngoại thành", "ngoại thị" không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện
Để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định cho phép lập đồng thời quy hoạch chung và các trường hợp quy hoạch chung khác cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước. Trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt, thì quy hoạch chung được lập thẩm định xong trước thì được phê duyệt trước.
Về giải quyết vướng mắc, mâu thuẫn trong các quy hoạch, dự thảo Luật cũng đã chỉnh sửa quy định tại Điều 7, tách thành Điều 8, trong đó trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn cùng cấp độ, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì phải thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh. Trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị, nông thôn khác cấp độ, thì các cơ quan, tổ chức lập quy hoạch thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
Quang cảnh Phiên họp sáng 25/10. (Ảnh: Quốc hội)
Trường hợp mâu thuẫn với các quy hoạch có cùng cấp độ, thì nội dung đã được thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch và trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Chính phủ, để đảm bảo yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch đô thị, nông thôn. Đối với các mâu thuẫn giữa QHĐT&NT với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện...
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật, đặc biệt về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hệ thống QHĐT&NT, giải thích từ ngữ, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, thời hạn và các thời kỳ quy hoạch, tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua.