Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy định mới về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

Tin tức - Sự kiện  
Quy định mới về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT. Trong đó, đề xuất bổ sung một số quy định mới liên quan đến quản lý, điều chỉnh quy hoạch; phân cấp thẩm quyền; điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN…

quy dinh moi ve quan ly khu cong nghiep khu kinh te
Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến cuối tháng 4/2021, cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219.500 ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Các KCN được thành lập trên các tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của vùng.

Cùng với đó, có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha. Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch.

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, DN, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan. Việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là cần thiết.

Đối với quản lý, điều chỉnh quy hoạch, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về phương hướng xây dựng, phương hướng phát triển hệ thống KCN, KKT. Cụ thể, phương hướng xây dựng là một nội dung trong quy hoạch vùng, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển KCN, KKT ở cấp vùng. Phương án phát triển hệ thống KCN, KKT là một nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó xác định số lượng, tên, diện tích và địa điểm dự kiến của KCN, KKT theo địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phân cấp thẩm quyền, dự thảo Nghị định ủy quyền, phân cấp việc xem xét, quyết định đối với các dự án cấp mới, điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN theo một trong hai phương án: Phương án thứ nhất là ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; phương án thứ hai là phân cấp cho UBND cấp tỉnh.

Về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung đó là: Diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75 ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, DN đổi mới sáng tạo, các DN khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất…

Dự thảo cũng quy định không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) đối với các trường hợp gồm: Tổng diện tích đất tự nhiên của các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dưới 1.000 ha; KCN trước đó đã có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng bị chấm dứt hoạt động và giao cho nhà đầu tư mới; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoạt động theo các mô hình KCN sinh thái, hỗ trợ, chuyên sâu; nhà đầu tư cam kết dành tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp trong KCN để cho dự án đầu tư có công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới sáng tạo và các dự án ưu tiên thu hút đầu tư…

Ngoài ra, sau khi dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, hoặc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, lao động, đất đai và các thủ tục khác có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt của UBND cấp tỉnh hoặc ban quản lý KCN, KKT, các sở, ban ngành quy định tại pháp luật có liên quan. Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải có cam kết về tiến độ hoàn thành các thủ tục và chịu trách nhiệm toàn bộ nếu không tuân thủ đúng điều kiện, quy chuẩn theo quy định của pháp luật có liên quan…

Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 230,2 tỷ USD…​


baoxaydung.com.vn