Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, vật liệu

Tin tức - Sự kiện  
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, vật liệu

Sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, ngân hàng; tại 32 điểm cầu có lãnh đạo 32 tỉnh, thành phố tham dự.

Tổng doanh thu ước đạt 600.000 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị về tình hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định: Phát triển vật liệu xây dựng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam tăng trưởng, đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn), trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc Top đầu thế giới. Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành đứng Top đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành vật liệu xây dựng (chưa gồm thép xây dựng) ước đạt 600.000 tỷ đồng (tương đương 24 tỷ USD), chiếm gần 6% GDP quốc gia.

Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, ngành Vật liệu xây dựng nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện ngành Xi măng có 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm, (trong đó có 4 dây chuyền tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm). Tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị.

Trong 10 năm qua, sản lượng sản xuất clinker và xi măng đều tăng, trong đó năm 2021 sản xuất clinker và xi măng đạt đỉnh 110,4 triệu tấn. Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng, tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động toàn ngành chỉ đạt 75% công suất thiết kế; trong năm 2023 có 42 dây chuyền phải ngừng sản xuất từ 1-6 tháng, trong đó một số dây chuyền phải dừng cả năm.

Theo Bộ Xây dựng, sứ vệ sinh, hiện nước ta có 26 doanh nghiệp với 65 dây chuyền sản xuất, tổng công suất 26 triệu tấn sản phẩm/năm; tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy sứ ước theo giá trị hiện hành khoảng 25.000 tỷ đồng. Sản lượng sứ vệ sinh tăng, giai đoạn trước năm 2019 tiêu thụ khá tốt; nhưng từ năm 2020 đến nay tiêu thụ sản phẩm này giảm mạnh. Tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy kính ước 50.000 tỷ đồng, tổng năng lực sản xuất toàn ngành kính đạt 5.900 tấn/ngày, tương đương 331 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, đứng Top 5 nước có sản lượng kính lớn nhất Đông Nam Á. Trước năm 2021, tiêu thụ kính khá tốt nhưng từ năm 2022 đến nay, sản lượng sản xuất kính suy giảm. Từ năm 2023 đến nay, có 3 dây chuyền phải dừng sản xuất trên 6 tháng, 1 dự án dừng chưa triển khai xây dựng; tiêu thụ sản phẩm kính giảm mạnh từ năm 2022; năm 2023 giảm 33% so với năm 2020.

Tính đến năm 2023, cả nước có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát, tổng công suất 831 triệu m2/năm. Tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy gạch ốp lát ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 100.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), trong đó ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm khoảng 65% tổng mức đầu tư này...

Hiện nước ta có 1.200 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung, tổng công suất 12,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm; tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy là 12.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, sản lượng sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây không nung giảm, công suất khai thác đạt 40% công suất thiết kế...

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Công ty xi măng INSEE, lãnh đạo các địa phương như Đồng Nai, Thanh Hóa đã phát biểu, tập trung đánh giá, phân tích kỹ tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng thời gian qua; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở xã hội

Phân tích nhận diện những khó khăn, vướng mắc về sản xuất (nhiên liệu, điện, nguồn nguyên liệu, sức ép bảo vệ môi trường, chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vật liệu xây dựng); khó khăn về tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, vướng mắc tài chính; Bộ Xây dựng kiến nghị các giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, trong đó giải pháp chung là đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, công trình quốc phòng, an ninh, công trình biển hải đảo; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; tăng cường triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và các chương trình dự án nhà ở khác; tăng tỷ lệ sử dụng phương án cầu cạn bê tông cốt, tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, tăng sử dụng xi măng; tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng nông thôn mới, miền núi...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh các giải pháp về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tài chính với doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành sớm tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp. Hiện nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng, đang chịu áp lực về tài chính lớn, khó khăn vì vay vốn đầu tư ban đầu nhiều, chi phí sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm chậm, làm dòng tiền lưu thông trong sản xuất không đảm bảo. Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà máy xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu khác khi sử dụng các loại nguyên nhiên liệu thay thế từ rác thải, phế thải của các ngành khác như tro xỉ, thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng. Quy định chặt trách nhiệm của chủ thể nguồn thải về chi phí vận chuyển và xử lý rác, tro xỉ, thạch cao...

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, cụ thể điều chỉnh thuế suấ khẩu mặt hàng clinker xi măng hiện đang ở mức 10% về 0% vì đây là sản phẩm chế biến sâu; sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker không thuộc đối tượng khoản 2 Điều 5; để clinker được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% khi xuất khẩu như tiêu thụ trong nước và được khấu trừu thuế giá trị gia tăng đầu vào tương tự như sản phẩm xi măng.

Bộ đồng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt ở vùng yêu cầu thoát lũ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để giảm thiểu lượng cát đắp nền, đảm bảo chất lượng xây dựng với chất lượng tốt, tuổi thọ cao, giảm chi phí bảo trì giảm tác động môi trường. Có giải pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng nhập khẩu.

Sớm ban hành chỉ thị tháo gỡ khó khăn

Phát biểu kết hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo, các đề xuất kiến nghị tại Hội nghị, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn thiện và ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu xây dựng.

Theo Thủ tướng, hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng thời gian qua đã đạt kết quả rất đáng trân trọng, mang lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia. Các nhà máy vật liệu xây dựng , xi măng, sắt thép Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu.

Thủ tướng nêu rõ, đạt kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp, đội ngũ nhân lực sáng tạo, những người hoạt động trong ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được thời gian qua, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện Chiến lược phát triển xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng của Việt Nam.

Phát triển bền vững, sử dựng tiết kiệm tài nguyên

Thủ tướng khẳng định thời gian tới, để ngành Xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng phát triển bền vững, phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 (Quyết định số 1266/QĐ-TTg), Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1626/QĐ-TTg), Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 866/QĐ-TTg), cũng như thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng; đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vật liệu phát triển nhanh, bền vững, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kịp thời phản ứng chính sách với các vấn đề nổi lên, những khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Phát triển ngành Xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu khi tiêu thụ trong nước giảm sút, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất; khai thác sử dụng tiết kiệm khoáng sản; áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất; sản xuất xanh, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép.

Phát triển nhà ở xã hội, tăng sử dụng cầu cạn với các cao tốc

Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, mà trước hết là nhóm các giải pháp chung. Theo đó, phải rà soát, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối chính sách, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, theo dõi sát, tăng cường năng lực dự báo các yếu tố tác động trong và ngoài nước để có các phương án chủ động ứng phó một cách kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng ổn định sản xuất và mở rộng thị trường. Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; các công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023; tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác. "Đây là giải pháp căn cơ, toàn diện, nhân văn, có hiệu quả ngay, tạo đồng thuận cao trong xã hội và trong nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước. Tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm giá thành, nâng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái; có rào cản kỹ thuật để giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng, tạo cạnh tranh tốt hơn.

Tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư

Về các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm. Cụ thể, đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu đối với công nghệ, thiết bị của các nhà máy sản xuất hiện có để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, tiết giảm chi phí điện năng. Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt, sử dụng phế thải công nghiệp để thay thế nguyên liệu tài nguyên thiên nhiên để giảm chi phí nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Về sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, phù hợp các loại hình công trình xây dựng, điều kiện khí hậu khác nhau, đáp ứng nhu cầu thị trường. Rà soát, cắt giảm chi phí sản xuất đối với nguyên liệu, nhiên liệu than, điện, dầu, khí đốt. Vận dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới, áp dụng công nghệ sản xuất và phương thức quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất, tận dụng các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải từ các ngành khác để hạ chi phí sản xuất. Sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là clinker, xi măng, kết hợp giải pháp đồng xử lý rác thải công nghiệp, sinh hoạt để bảo vệ môi trường.

Tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn.

Rà soát lại hệ thống đại lý bán hàng; rà soát tiết giảm các chi phí bán hàng phù hợp. Tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng bảo đảm cạnh tranh lành mạnh với giá bán linh hoạt, phù hợp.

Cơ cấu lại nguồn vốn, tiết giảm chi phí để bảo đảm dòng tiền trả nợ ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhân công và các chi phí khác trong sản xuất. Chủ động trao đổi với các ngân hàng để khoanh, giãn nợ và có kế hoạch, lộ trình trả nợ để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sử dụng các nguồn vốn để thanh toán các khoản vay cũ lãi suất cao và vay các khoản vay mới lãi suất thấp để tiết giảm chi phí tài chính.

Hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định

Về tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023).

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất xi măng. Quy định chặt chẽ trách nhiệm của chủ nguồn thải về chi trả chi phí vận chuyển và xử lý rác thải, tro xỉ, thạch cao… để làm nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng khác.

Các Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, bảo đảm tính cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xi măng, Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới. Bộ Xây dựng nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của WTO.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với từng dự án, đoạn tuyến cụ thể, bảo đảm hiệu quả cao nhất và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng yêu cầu và kêu gọi các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả thực hiện các công việc, không đùn đẩy, không né tránh, tập trung triển khai các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giải quyết các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị để xử lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng trong năm 2024, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.​


baoxaydung.com.vn
Tin liên quan