Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân ...

Tin tức - Sự kiện  
Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”

Ngày19/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Hiện thực hóa Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về quá trình thực hiện vừa qua để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, qua đó đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; lãnh đạo Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhà ở là một nhu cầu thiết yếu của con người và là một trong những quyền cơ bản được hiến định. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở, đã ban hành nhiều chính sách về nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị và công nhân các khu công nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nhờ đó, cho đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định, 3 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 3 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đã tổ chức 2 hội nghị toàn quốc liên quan đến chủ đề này.

Quang cảnh Tọa đàm

Trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.

Theo Đề án, cả nước phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.

Đối với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đang được triển khai theo hai nguồn vốn ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Với những kết quả bước đầu triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Do đó, Bộ Xây dựng rất mong nhận được các ý kiến đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về thực trạng triển khai Đề án, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thực hiện một các hiệu quả các nhiệm vụ của mình, đồng thời kịp thời đề xuất với Chính phủ những điều chỉnh cần thiết và khả thi trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, Tọa đàm là một trong nhiều hoạt động nhằm góp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có mức giá phù hợp khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững. Từ đó gợi mở giải pháp góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Theo Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ, đây là một chủ trương đầy tính nhân văn giúp hàng vạn người nghèo, hàng vạn công nhân có thể thuê hoặc mua nhà giá rẻ, ổn định chỗ ở, an cư lạc nghiệp. Đề án đã đưa ra một loạt chính sách cụ thể về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với mục tiêu rõ ràng, giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay. Ông cũng cho biết, thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc tuyên truyền sâu rộng về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tọa đàm với 2 phiên thảo luận chính tập trung vào các nội dung: một triệu căn nhà ở xã hội - kỳ vọng và thực tế; cơ chế khơi thông, tăng tốc làm nhà ở xã hội với những hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, cũng như mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.

Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm

Theo các chuyên gia tham dự Tọa đàm, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội hóa từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.​


moc.gov.vn
Tin liên quan