Đây là chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học do Viện Kiến trúc Quốc gia phối hợp với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào sáng 24/12.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Hội thảo đã thu hút các chuyên gia, nhà quản lý, các giảng viên, Kiến trúc sư hành nghề tại các đơn vị tư vấn thiết kế, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch tham gia. Tại Hội thảo, 3 khía cạnh: Nghiên cứu – Thực tiễn trong quản lý và Thực tế trong xã hội về thiết kế công trình xanh nói riêng và phát triển Công trình Xanh nói chung tại Việt Nam hiện nay đã được tập trung thảo luận.
Hiện thực công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế. Phát triển công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương. Có thể thấy phát triển công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu.
Phát triển công trình xanh cần được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của thiết kế sinh thái là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải…). Sử dụng triết lý “nguồn gốc trở về nguồn gốc - C2C” để thực hiện việc tái sử dụng các vật liệu cũ càng nhiều càng tốt…
Cần thống nhất khái niệm xanh từ kiến trúc sư, cho đến các nhà sản xuất, đầu tư, quản lý… Khái niệm xanh được hiểu một cách khái quát là những công trình và đô thị được thiết kế có trách nhiệm với môi trường. Trong đó những vấn đề chính cần quan tâm là nguồn năng lượng, chất thải, sử dụng nước, sử dụng đất, ảnh hưởng đối với hệ sinh thái khu vực, chất lượng không khí và chất lượng môi trường bên trong công trình…, đồng thời còn phải nghiên cứu tổ chức không gian, công năng của công trình kiến trúc tương ứng, ý nghĩa và yêu cầu của thẩm mỹ đô thị và kiến trúc. Nhận thức về công trình xanh cần được tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để định hướng và thúc đẩy phát triển theo hướng kinh tế xanh - một xu thế đã được thế giới lựa chọn.
Cần có sự phối hợp hành động giữa các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh… để sớm đưa ra một bộ tiêu chí đánh giá giúp hướng dẫn thiết kế và định hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ths. KTS. Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng: “Mục tiêu của hội thảo nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động của Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, đô thị xanh, công trình xanh. Đồng thời, tìm kiếm những giải pháp khoa học, những đề xuất mới, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam”.
Đồng thời, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng cũng chia sẻ mong muốn Việt Nam sớm đưa được Bộ công cụ dẫn dắt phát triển công trình xanh trong giai đoạn tới đây. Cụ thể bằng các văn bản quản lý Nhà nước, làm rõ các khái niệm công trình xanh – đô thị xanh là gì; Công trình thông minh – đô thị thông minh là gì; Tiêu chí cụ thể nào cho công trình xanh Việt Nam? Ông cũng bày tỏ hy vọng trong năm 2022, Bộ Xây dựng cùng với các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu hoàn thiện các bộ tiêu chí công trình xanh Việt Nam làm cơ sở cho việc phát triển Công trình xanh – thông minh, Đô thị xanh – thông minh trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. KTS. Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Cần nhận thức rõ công trình xanh không phải là giải pháp riêng cho các nước phát triển mà của cả các nước đang phát triển để giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường đang đặt ra trên bình diện toàn cầu. Công trình xanh không đi ngược lại nhu cầu phát triển kinh tế và phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội của từng địa phương, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Xem xét các điều kiện tương đồng, có thể thấy Đài Loan và Singapore là 2 nước có thể học hỏi được kinh nghiệm cho việc phát triển công trình xanh.
Theo PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Khoa học Công nghệ Đô thị xanh cho rằng, để có thể hiện thực các giải pháp phát triển công trình xanh tại Việt Nam cần phải có chiến lược xanh trong toàn bộ các lĩnh vực, công đoạn và cần bắt đầu ngay từ khâu thiết kế.
Như vậy, “Xu hướng phát triển công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” là xu hướng tất yếu để xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam “xanh” và bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển công trình xanh tại Việt Nam có thể nói là hướng đi rõ rệt nhất để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng và đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao cho người dân; Đồng thời tạo sự phát triển mạnh mẽ thành thị và nông thôn Việt Nam. Xu hướng này cũng đã trải qua trên 10 năm thực thi bước đầu và chuyển tiếp từ nghiên cứu để đi vào thực tiễn với sự nỗ lực của Đảng, nhà nước, các tổ chức quốc tế cũng như sự nhận thức, vào cuộc tích cực của xã hội, đặc biệt là các nhà tư vấn thiết kế, các chủ đầu tư.
|
Công trình xanh là xu hướng tất yếu trong kiến trúc Việt Nam hiện nay. |
Phát triển công trình xanh tại Việt Nam vào thời điểm này xét thấy cần bước sang một giai đoạn mới quyết liệt và hiện thực hóa cao hơn nữa. Do vậy, vấn đề “Phát triển Công trình xanh tại Việt Nam sau 10 năm thực thi” là vấn đề cần thiết để đặt ra vào thời điểm này. Việt Nam cần có một chương trình khảo sát, tổng kết, đánh giá trên quy mô toàn quốc về thực tiễn phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay với những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; Sự nhận thức của xã hội, doanh nghiệp trong vấn đề phát triển Công trình xanh… Từ đó có những cơ chế, chính sách mới, kịp thời trong định hướng và quản lý để dẫn dắt, thực thi, phát triển công trình xanh bước sang một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả.